Theo chuyên gia, đô thị càng phát triển thì nhu cầu kỹ sư đô thị càng lớn, điều này mở rộng cơ hội học tập và việc làm cho các sĩ tử trong mỗi kỳ tuyển sinh đại học.
Thiếu hụt nhân lực kỹ sư đô thị
Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đang ngày càng nhanh chóng, khoảng 6-7%/năm. Nhiều đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, được quy hoạch, đầu tư xây mới hoặc cải tạo mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển mới của đất nước.
Nghị quyết 06-NQ/TW đưa ra các mục tiêu về quy hoạch, phát triển bền vững đô thị Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 – 1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 – 2,3%.
Ngoài ra, số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 – 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 – 1.200 đô thị.
Đô thị càng phát triển thị phát triển mạnh mẽ và bền vững thì nhu cầu kỹ sư kỹ thuật hạ tầng đô thị càng lớn.
Vị trí việc làm của các kỹ sư đô thị rất rộng, tham gia vào mọi giai đoạn của quá trình phát triển đô thị, từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng, thi công đến quản lý và vận hành. Hiện nay thị trường lao động rất thiếu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị và công nghiệp. Trong khi mức lương của kỹ sư đô thì đều ở ngưỡng cao.
“Dự kiến tới 2025, Việt Nam có khoảng 1.000 đô thị. Nhu cầu nhân lực trình độ cao trong các ngành tư vấn, thiết kế, quản lý hạ tầng rất lớn, nhưng hiện nguồn cán bộ trong ngành này đang còn thiếu”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến (Nguyên Cục Trưởng Cục Hạ tầng) chia sẻ trong một buổi giao lưu tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Đơn vị đào tạo kỹ sư đô thị uy tín trên cả nước
Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị (gọi tắt là khoa Đô thị), Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (HAU) là đơn vị cấp khoa ở trường đại học duy nhất trong cả nước tập trung đầy đủ các chuyên ngành về hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Ở trường khác, các chuyên ngành này thường nằm ở các khoa khác nhau.
PGS.TS Trần Thanh Sơn (Trưởng Khoa Đô thị – ĐH Kiến trúc Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi tự hào với truyền thống gần 55 năm, rất nhiều các khóa sinh viên ra trường đã, đang đảm nhiệm nhiều trọng trách lớn trong công tác quản lý, vận hành, thiết kế, tư vấn, giám sát, thi công các công trình hạ tầng đô thị trên cả nước”.
Chương trình đào tạo các chuyên ngành/ngành của khoa có tính thống nhất và linh hoạt, khả năng liên thông, liên thông dọc – ngang các chuyên ngành trong khoa và các chuyên ngành gần khoa khác, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của sinh viên.
Ngoài ra, do được học các môn khoa học kỹ thuật với tính liên ngành nên sinh viên đáp ứng khả năng thích ứng tốt với nhiều ngành, nhiều vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Cơ hội học văn bằng 2 với thời gian ít nhất cũng như học lên trình độ cao hơn đều rộng mở.
Trong bối cảnh chủ trương phát triển của đất nước và trên toàn cầu là chú trọng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các chuyên ngành khoa đào tạo nhân lực đều phù hợp với xu thế này. Nước, điện, năng lượng, môi trường, tái sử dụng tài nguyên cho con người đều là những vấn đề nóng bỏng, lâu dài và luôn có nhu cầu lớn về nhân lực.
Khoa Đô thị hội tụ tập thể giảng viên có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình, trong đó có thầy cô học và tốt nghiệp ở các trường có nền khoa học tiên tiến từ Nhật Bản, Nga, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan.
Môi trường học tập tiếp cận chuẩn quốc tế, xét tuyển thuận lợi bằng học bạ
Một trong những thế mạnh của khoa Đô thị trong hoạt động đào tạo kỹ sư là tiếp cận STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) thống qua các hoạt động nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Trần Thanh Sơn bật mí, từ năm thứ 3 trở đi, sinh viên đã làm quen với việc giải quyết vấn đề thực tế thông qua đề tài nghiên cứu khoa học. Các bạn đi khảo sát, thu thập các số liệu thực tế, đo đạc, phân tích hiện trường, lập các mô hình thực nghiệm, vận hành và xử lý số liệu và thậm chí còn biết tự lập trình để giải các bài toán ứng dụng.
Hiện khoa liên kết hợp tác thường xuyên với khoảng 300 doanh nghiệp, giúp sinh viên có thể bắt nhịp ngay vào công việc thực tiễn.
Khoa còn là nơi giữ vững truyền thống nghiên cứu khoa học cho sinh viên, với nhiều giải thưởng VifoTec, Giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giải quốc gia, quốc tế, Cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia…
Năm 2023, Khoa tuyển sinh các chuyên ngành: Kỹ thuật cấp thoát nước, Kỹ thuật hạ tầng đô thị, Kỹ thuật môi trường đô thị, Công nghệ cơ điện công trình và Kỹ thuật công trình giao thông bằng hình thức xét tuyển kết quả học tập của 5 học kỳ đầu ở bậc THPT (xét học bạ), với các tổ hợp A00, A01, D01 và D07.
Để biết thêm thông tin bạn đọc vui lòng tham khảo bài viết dưới đây:
Kỹ sư đô thị: Việc làm sẵn, mức lương hấp dẫn