KỸ SƯ ĐÔ THỊ – NÂNG BƯỚC TƯƠNG LAI
Kính gửi Quý bậc phụ huynh học sinh!
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh và học sinh lớp 12 đang phân vân chọn ngành, chọn nghề khi đứng trước cổng trường đại học cũng như công việc sẽ làm trong tương lai. Hơn ai hết, vai trò hướng nghiệp của Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm các lớp luôn là kênh thông tin hiệu quả nhất mang đến bức tranh tổng thể cho quá trình cân nhắc lựa chọn ngành nghề phù hợp với tố chất từng em học sinh và điều kiện kinh tế của gia đình. Ban tư vấn tuyển sinh và truyền thông Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị (gọi tắt là Khoa Đô thị) xin giới thiệu tổng quan về đặc thù nghề nghiệp của các ngành/ chuyên ngành đang đào tạo tại Khoa Đô thị như sau:
✓ Chuyên ngành Kỹ thuật cấp thoát nước
✓ Chuyên ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị
✓ Chuyên ngành Kỹ thuật môi trường đô thị
✓ Kỹ thuật Xây dựng Công trình giao thông (Chuyên ngành Giao thông đô thị)
✓ Chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình
- Chuyên ngành Kỹ thuật cấp thoát nước
Kỹ sư cấp thoát nước được biết đến là những người làm việc trong ngành xây dựng nói chung đảm bảo cuộc sống cũng như chất lượng môi trường tốt nhất cho các đô thị. Kỹ sư cấp thoát nước có trách nhiệm thiết kế, giám sát và thẩm định các công trình, dự án cấp thoát nước tại các đô thị, khu công nghiệp, nông thôn. Để trở thành một Kỹ sư Cấp thoát nước bạn sẽ cần phải đáp ứng được những tiêu chí cơ bản dưới đây:
– Tốt nghiệp đại học theo các chuyên ngành về cấp thoát nước.
– Cần phải có kiến thức và sử dụng thành thạo các công cụ, phần mềm thiết kế như là Autocad, Shop drawing, Revit.
Kỹ sư cấp thoát nước là vị trí công việc thu hút được đông đảo sự quan tâm của các bạn trẻ hiện nay không chỉ bởi đây là ngành nghề có truyền thống đóng góp đội ngũ kĩ sư chất lượng cao, chuyên gia dự án, cán bộ Ban quản lý dự án mà còn có cơ hội phát triển mạnh mẽ, quyền lợi và mức lương hấp dẫn, cơ hội làm việc trong các Công ty nước ngoài, có cơ hội nâng cao trình độ ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
Chuyên ngành Kỹ thuật cấp thoát nước tại Khoa Đô Thị, trường Đại Học Kiến Trúc Hà Nội luôn cung cấp kiến thức thiết thực không chỉ bổ trợ cho công việc mà còn trong cuộc sống, đáp ứng tối đa nhu cầu của nhà tuyển dụng cũng như hành trang vừa học vừa trải nghiệm thực tế.
- Chuyên ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị
Có thể nói, kỷ nguyên công nghệ số đã bắt đầu, xác lập cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tác động sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Trong đó có lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Nếu đô thị là một cơ thể thì Kỹ thuật hạ tầng đô thị được xem là xương sống của cơ thể đó, được xây dựng bởi các hệ thống cung cấp dịch vụ đô thị, bao gồm: Giao thông, chuẩn bị kỹ thuật, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước, cung cấp năng lượng, chiếu sáng đô thị và một số lĩnh vực khác. Việc ứng dụng các công nghệ mới trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác thiết kế quy hoạch, xây dựng và quản lý các đô thị thông minh để phát triển bền vững, nâng cao mức sống cư dân đô thị là rất cần thiết. Chính vì vậy, các đô thị luôn cần có nguồn nhân lực là đội ngũ kỹ sư Kỹ thuật hạ tầng đô thị chất lượng cao, đi đầu trong công nghệ, phục vụ cho công tác thiết kế, xây dựng và quản lý đô thị để đáp ứng được các nhu cầu xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Với truyền thống gần 55 năm đào tạo, chuyên ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị tại Khoa Đô thị – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tự hào là cái nôi cung cấp nguồn nhân lực cho các cơ quan, Bộ, Sở, Ban, Ngành của Nhà nước, các Tập đoàn, các Tổng công ty từ lĩnh vực tư vấn quy hoạch, thiết kế, quản lý dự án, thi công công trình. Kiến tạo đô thị hiện đại, thông minh và bền vững luôn cần sự đóng góp rất lớn của đội ngũ các kỹ sư Kỹ thuật hạ tầng đô thị tương lai!
- Chuyên ngành Kỹ thuật môi trường đô thị
Trong mọi lĩnh vực, môi trường luôn đóng vai trò xuyên suốt tất cả quá trình hoạt động của các đô thị với nhu cầu vị trí việc làm không ngừng phát triển mở rộng của doanh nghiệp. Trong đó, kỹ sư môi trường là vị trí chịu trách nhiệm quản lý, xử lý những chất thải do quá trình sinh hoạt và sản xuất sản phát sinh ra, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng đến môi trường theo quy định của pháp luật. Vì Vậy công việc cụ thể của kỹ sư môi trường sẽ bao gồm: tư vấn trong các công tác quy hoạch, thiết kế, lập dự toán, thi công xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải đô thị cũng như tại các nhà máy, khu công nghiệp; Giám sát chất lượng môi trường; tập huấn kĩ năng BVMT trong doanh nghiệp; tư vấn lập hồ sơ môi trường cho các doanh nghiệp; Với những doanh nghiệp lớp như: Honda, Canon, LG… có bộ phận quản lý môi trường riêng và tuyển dụng nhiều kỹ sư môi trường trong đó yêu cầu tuyển dụng cơ bản yêu cầu là ứng viên cần tốt nghiệp chuyên ngành về kỹ thuật môi trường.
Với mức lương cơ bản hấp dẫn, ổn định và nhiều nơi tuyển dụng rất phong phú từ cấp Phòng Địa chính-Môi trường UBND Xã/Phường đến cấp Quận/Huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Trung tâm kỹ thuật, công nghệ môi trường, Ban quản lý khu công nghiệp, Các công ty thiết kế, tư vấn môi trường và đặc biệt các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất cũng như các dự án ODA phát triển hạ tầng và bảo vệ môi trường đô thị.
- Ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (chuyên ngành Giao thông đô thị)
Cùng với sự phát triển không ngừng của Đất nước, nhu cầu về hạ tầng giao thông ngày càng lớn và được đầu tư mạnh mẽ. Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (chuyên ngành Giao thông đô thị) là ngành rất quan trọng trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Hệ thống giao thông là một trong những động lực, là thước đo đánh giá mức phát triển của đô thị. Do đó nhu cầu nhân lực kỹ sư ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (chuyên ngành Giao thông đô thị) ở hiện nay và tương lai rất lớn. Kỹ sư chuyên ngành Giao thông đô thị có thể làm việc tại các vị trí sau:
❖ Kỹ sư phụ trách thiết kế, thi công, giám sát, thẩm định và nghiệm thu các công trình giao thông tại các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp xây dựng cầu đường, các công ty quản lý và sửa chữa công trình giao thông;
❖ Kỹ sư phụ trách tư vấn thiết kế phần kỹ thuật hạ tầng giao thông trong các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị;
❖ Chuyên viên quản lý, điều hành, thiết kế, tư vấn, phản biện về kỹ thuật xây dựng công trình giao thông tại các công ty, tập đoàn xây dựng trong và ngoài nước;
❖ Công tác tại các viện nghiên cứu về GTVT.
- Chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình
Kỹ sư Cơ điện công trình (M&E) là một trong những nguồn nhân lực chất lượng cao có nhu cầu rất lớn trên thị trường lao động lĩnh vực xây dựng và kiến trúc, đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin 4.0 của thế kỷ 21. Theo các thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy tất cả hệ thống cơ điện công trình M&E có mặt ở hầu hết các công trình xây dựng và hạ tầng, từ nhà dân dụng, nhà ở, chung cư cao tầng, nhà hành chính, trung tâm thương mại, khách sạn, bệnh viện, trường học, các công trình đầu mối giao thông (nhà ga, sân bay,bến cảng), các công trình hạ tầng khác (cấp thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, các công trình bản vệ môi trường) cho đến các công trình công nghiệp nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Đó chính là các hệ thống như hệ thống điện và thiết bị điện, nước cấp, nước thải, chiếu sáng, thang máy, hệ thống thông tin liên lạc, tự động hóa tòa nhà, hệ thống điều khiển cho đô thị thông minh, tòa nhà thông mình, các hệ thống công nghệ trong công nghiệp khác). Có thể nói ngành cơ điện công trình vô cùng rộng lớn và kỹ sư M&E có rất nhiều cơ hội để thăng tiến và phát triển sự nghiệp không những ở trong nước mà còn ở thị trường lao động quốc tế.
Kỹ sư M&E tốt nghiệp khoa Kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường Đô thị có thể làm công việc liên quan hệ hệ thống cơ điện công trình từ qui hoạch, thiết kế, thi công, vận hành các hệ thống cơ điện trong công trình. Vị trí việc làm cho kỹ sư M&E: các công ty, đơn vị kinh doanh (tư vấn, thi công, vận hành công trình), các đơn vị đào tạo nhân lực các cấp (trường đại học, trường nghề), viện nghiên cứu, các tổ chức tài chính, ngân hàng, tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước.
Học tại Khoa Đô thị, các kỹ sư tốt nghiệp sẽ được trang bị kiến thức cơ bản và chuyên ngành vững chắc, các kỹ năng cứng và mềm (ngoài ngữ, giao tiếp xác hội, làm việc nhóm), và các qui tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Kỹ sư M&E biết đặt và giải quyết vấn đề chuyên môn một cách trọn vẹn, sử dụng tốt các tài liệu chuyên ngành, thể hiện và đọc được bản vẽ thiết kế cơ bản; Hiểu và xác lập được biện pháp thi công; Có khả năng vận hành các hệ thống cơ điện công trình trong thực tế.