Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực về phương pháp tiếp cận Thành phố Bọt biển trong quy hoạch và quản lý đô thị cho các thành phố tại Việt Nam” các giảng viên Khoa Kĩ thuật Hạ tầng và môi trường Đô thị đã tham gia khoá tập huấn giảng viên nguồn (TOT) được tổ chức tại Học viện Chiến lược, bồi dưỡng cán bộ xây dựng - ACST.
Khóa đào tạo diễn ra trong ba ngày (từ 26/6/2025 đến 28/6/2025) với nội dung chính nhằm phát triển mạng lưới đối tác với các giảng viên, nhà quy hoạch, các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các giảng viên nguồn tiếp tục khai nhiều khóa học cho các tỉnh, thành phố trong giai đoạn tiếp theo.
Tham dự khai mạc có Bà Franziska Munzinger đại diện nhà tài trợ Bộ Hợp tác Kinh tế & Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) và Vụ Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO); ông Ngô Anh Tuấn - Giám đốc Học viện ACST, Ông Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc Học viện ACST, Giám đốc Dự án; các chuyên gia quốc tế/chuyên gia tư vấn trong nước của dự án nhằm giúp các phiên thảo luận diễn ra hiệu quả, thực tiễn.
Với những nội dung phân tích Hướng dẫn kỹ thuật của GIZ về ứng dụng mô hình thành phố bọt biển trong thoát nước đô thị tại Việt Nam nghiên cứu điển hình quy hoạch phân khu/quy hoạch sử dụng đất thị trấn Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng các chuyên gia đã truyền tải kinh nghiệm quý giá đến các giảng viên nguồn quyết tâm xây dựng phương pháp tiếp cận mới, vượt qua được những khó khăn về thể chế chính sách, quy chuẩn quy phạm thiết kế, thi công vận hành hệ thống thoát nước đô thị theo mô hình thành phố bọt biển sử dụng hợp lý tài nguyên. Đồng thời bài học kinh nghiệm quốc tế tại một số thành phố của Cộng hòa liên bang Đức và thí điểm áp dụng tại khu công nghiệp Bình Dương của tổ chức GIZ cho thấy khả năng ứng dụng rộng rãi các giải pháp công nghệ đổi mới và sáng tạo góp phần hiện thực hóa các kế hoạch thành hành động xây dựng thành phố bọt biển thích ứng biến đổi khí hậu.
Lớp học đã tham quan khu đô thị Ecopark và tập trung phân tích rút ra bài học kinh nghiệm cho toàn bộ quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo trì hệ thống thoát nước mưa thân thiện môi trường.
Trong phiên thảo luận, các giảng viên của Khoa Kĩ thuật hạ tầng và Môi trường Đô thị đã đóng góp những ý kiến bám sát tình hình thực tế, những thách thức trong quá trình triển khai thủ đô Hà Nội và các đô thị đặc thù để xây dựng mô hình tính toán khối lượng các thành phần cơ sở hạ tầng xanh được chính xác, hợp lý đáp ứng tiêu chí thành phố bọt biển.
Kết thúc khóa học, các giảng viên nguồn cam kết tăng cường triển khai các nội dung liên quan đến Mô hình thành phố bọt biển trong các hoạt động chuyên môn để góp phần vì một tương lai phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Viết bình luận
Các trường bắt buộc được đánh dấu *